Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Chuyện vặt thời đã qua (kỳ 3)

Hai lần trước tôi đã lẩn mẩn nhớ và biên lại những chuyện vặt còn nằm trong ký ức, gắn liền với tuổi thơ vất vả thiếu thốn nghèo đói của mình. Những việc vặt như châm dầu vào đèn, lau bóng đèn, rút rơm đem vào bếp để nấu ăn hoặc đưa ra chuồng cho trâu ăn đêm… thời ấy đứa trẻ nông thôn nào chả phải làm. Thời ấy tức là những năm 60 ở miền Bắc, còn nông thôn là vùng duyên hải Hải Phòng.

Tiếng là gần thành phố nhưng huyện Kiến Thụy quê tôi hồi đó nghèo lắm. Nghèo đến mức người nhớn lẫn trẻ con chỉ lo làm lụng chứ chả bao giờ dám nghĩ đến chuyện ăn mặc tươm tất một tí kéo nhau ra phố chơi. Mà nếu đi thì cũng cuốc bộ chứ chẳng có xe đạp. Vậy nên chỉ quanh quẩn làng trên xóm dưới, đồng xa đồng gần. Sáng (hoặc chiều) đến trường học, thì giờ còn lại thì đập nương, tát nước, nhổ mạ, cắt rạ, tỉa đỗ, đánh nhậy thuốc lào, đập lúa, phơi rơm, chăn trâu, đi câu, đánh dậm, băm rau lợn, quét sân, học bài… ôi giời trăm thứ việc. Thế mà vẫn còn thời gian để đánh trận giả.

Giờ nghĩ lại thấy hồi đó gớm thật. Mấy trò đánh khăng, đánh đáo, bật tường, nhảy chồng nụ chồng hoa, thả đỉa ba ba chơi mãi cũng chán. Chỉ có đánh trận giả là khoái nhất. Không biết ông bà nào nghĩ ra cái trò này, nhưng có lẽ tại dân mình máu, thích đánh nhau, thích chiến tranh nên trẻ con từ bé tí đã ham đánh trận. Đánh nhau sớm cho nó quen trận mạc, để 17 tuổi còn đi bộ đội, đi B, cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù. Đứa nào cũng được dạy như vậy.

Làng Trà Phương quê tôi nửa đầu những năm 60 có cái đình to lắm. Trong đình thờ thành hoàng, thờ cả bà hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn người làng Trà, vợ vua Mạc Đăng Dung, sau này phá đình mới chuyển tượng bà về chùa Trà Phương. Đình rộng mênh mông, mái đình cao vút, sừng sững mấy chục cột gỗ lim nâu bóng to một người ôm không khít. Xung quanh đình lát tinh đá tảng xanh, mỗi hòn phải nặng cả tấn. Hai cây nhãn cổ thụ phía trước và sau đình cành lá xum xuê che phủ một vùng. Năm 1965 chính quyền phá đình để lấy gỗ, ngói, đá xanh xây trại chăn nuôi. Đình tồn tại mấy trăm năm, cuối cùng bị hóa kiếp thành cái chuồng lợn. Giờ còn mỗi cái gốc nhãn cổ thụ nằm trong khuôn viên trường cấp 2, nhờ thầy hiệu trưởng Nguyễn Minh Trí chăm chút mà giữ được.

Cứ đêm trăng là bọn trẻ làng tôi kéo nhau ra đình đánh trận giả. Phe xóm trên đấu với phe xóm dưới. Trang bị súng đọp làm bằng ống tre bắn quả rau đay hoặc súng bẹ chuối. Đứa nào không có súng thì lấy khúc gỗ, đoạn tre thay súng, khi bắn miệng kêu pằng pằng. Chia quân ra, núp chỗ kín, đợi thằng địch nhô đầu là bắn. Phải bắn chính xác, kêu tên đứa nào thì đúng đứa ấy. Tôi đang nấp sau hòn đá xanh mát rượi, mắt đã díp lại bởi chờ lâu quá, chợt thấy một thằng bò lại gần, tôi hô lên “pằng, Tín đại chết”. Nhưng không phải thằng Tín (con cậu Đại) mà là thằng Tựu rêu (con ông Rêu), nó bắn ngay lại tôi “Tựu đây, pằng, mày chết”, tôi toi. Cứ thế đánh nhau suốt tối, cuối cùng bên nào còn nhiều đứa sống thì bên đó thắng, nói theo kiểu Osin Huy Đức là “bên thắng cuộc”. Nhiều hôm mải chơi đến khuya, trăng đã chênh chếch trời tây mà không đứa nào chịu về. Có bữa chơi chán chê, mệt, mấy đứa ngả ngay xuống dãy thềm đình đá xanh nhẵn như tấm phản đánh một giấc, khi tỉnh dậy mò về nhà đã nghe eo óc gà gáy sớm.

Kinh nhất là mấy lần chán núp ngoài đình bởi chỗ nào cũng quen, bị lộ cả rồi, cả bọn kéo nhau vào vườn chuối nhà bà In đánh tiếp. Phải công nhận bác In có vườn chuối rộng mênh mông, lá chuối xòa ra che kín lắm. Mới dàn trận chưa kịp bắn, nghe thằng Trò em (con ông Hiếm) kêu toáng lên ngứa, thì ra bù nẹt chuối cắn, cả bọn tháo chạy. Bác In giai tưởng có kẻ trộm vào chặt trộm chuối vác gậy ra đuổi, các chiến sĩ chạy bán sống bán chết. Nhưng thế vẫn chưa phải là hãi nhất. Hình như chiến sĩ Tân ỷ (anh Tân con bác Ỷ) về khoe thế nào, bác Ỷ gái bảo may cho chúng mày đới, vườn chuối đó nhiều ma lắm, nó mà bắt chúng mày giấu đi có mà trời tìm. Nghe vậy, rợn hết cả người. Hôm sau tôi để ý đúng là chỗ góc vườn chuối có một cái miếu hoang nhưng vẫn còn bát hương, có cả chân hương mới. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. ĐỌC bài của ông ,có một cảm giác như vừa mới còn đâu đây cái đói cái rét, cái lam lũ,khi mà miếng ăn cái mặc to như giời con người chỉ còn cuốn theo nó.Nghĩ mà khiếp sợ vã mồ hôi,không biết nó có trở lại hành hạ con cháu mình nữa không.Ai trả lơì chắc chán câu này ....

    Trả lờiXóa