Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

Nhan nhản sứ quân

Hơn tuần nay, dư luận chăm chú theo dõi, lắng nghe, bàn luận về vụ nhân viên bảo vệ của Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) có hành động bất nhân ngăn xe cứu thương. Báo chí viết đã nhiều, số bài đếm không xuể, phần lớn bày tỏ sự tức giận của công chúng. Nhiều vấn đề được đặt ra, đào xới lên xung quanh sự việc này, nào là y đức, thái độ trách nhiệm, tư cách người lãnh đạo, sự dối trá quanh co, lỗ hổng y tế, v.v.. Tôi không nhắc lại nữa, mà muốn bàn thêm vài khía cạnh khác.

Bệnh viện là nơi cứu người, chạy chữa bệnh tật, bảo đảm sức khỏe cho con người. Cơ sở vật chất (nhà cửa, máy móc, thuốc men), nhân lực (đội ngũ thày thuốc, nhân viên) đương nhiên phải có, ngoài ra không thể thiếu những lực lượng phụ trợ, trong đó có xe cứu thương, xe cấp cứu làm nhiệm vụ chuyên chở kịp thời. Trong cuộc sống xã hội, có 2 loại xe mặc nhiên được cộng đồng coi là ngoại hạng “ưu tiên 1”: xe cứu thương và xe cứu hỏa. Nó chỉ có thể dừng khi đã hết xăng chứ không ai, thế lực nào có quyền ngăn chặn nó, kể cả đèn đỏ.

Nói đến xe cứu thương, có lẽ đừng quên những câu chuyện đẹp. Đó là ở khá nhiều vùng quê tại khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có những nhà hảo tâm tự bỏ tiền riêng sắm xe ô tô, đăng ký với cơ quan chức năng để làm xe cứu thương, nuôi tài xế, chi tiền xăng dầu, chuyên giúp những bệnh nhân nghèo, gia đình nghèo khi người bệnh cần chuyển viện, nhất là lên những bệnh viện tuyến trên ở Sài Gòn. Họ làm điều tốt cứ như không, chả đòi hỏi người được phục vụ phải đền đáp thứ gì. Họ lấy cái sự yêu thương đùm bọc nhau, cứu người làm lẽ sống của mình. Những chiếc xe cứu thương ấy sao thật đẹp, thật dễ thương.

Đối lập với xe cứu thương dân sinh đó là không ít kiểu xe cứu thương do bệnh viện quản lý.
Xin xuất hành được cái xe đã khó, mà còn bị tra vặn hạch sách đủ điều, và nhất là khoản chi tiền. Đành rằng xe công chả phải để cho không, phải có tiền trả phí dịch vụ, nhưng đó là phí cắt cổ, phí trên trời, chèn ép nhau lúc hoạn nạn (trường hợp yêu cầu chị Soa trả 7 triệu đồng trong khi đi xe ngoài chỉ hết 2 triệu đồng đã nói rõ điều này). Lý ra người dân, bệnh nhân phải tìm được sự tin cậy ở những chiếc xe của nhà thương mang mác nhà nước, vậy mà rất nhiều trường hợp họ phải đau khổ, giận dữ xua tay từ chối bởi xe không cứu mà cũng chả thương, xe ấy dưới mắt họ giống như chiếc lưỡi lam vậy.

Cũng liên quan đến bệnh viện, đến xe cứu thương là tình trạng độc quyền. Chả biết từ bao giờ, bệnh viện đã bị mất nghiêm trọng chất nhân văn vốn có để dần biến thành cái chợ, thành chốn mua bán, đổi chác, cò kè, thành nơi lợi dụng làm tiền trên nỗi đau người khác. Bệnh viện đã thành cứ điểm để nhóm này nhóm khác thao túng, cát cứ, độc quyền. Xe dịch vụ cứu thương, xe taxi chở bệnh nhân từ nơi khác muốn vào, rồi ngay cả muốn ra (trường hợp của mẹ con chị Soa ở Bệnh viện Nhi Trung ương) đều không dễ. Người ta tự đặt ra quy định riêng, bất chấp những phi lý, vô căn cứ, bởi chỉ biết có tiền. Nên biết rằng bệnh viện là tài sản được nhà nước giao cho tổ chức, cá nhân nào đó quản lý, sử dụng nhằm phục vụ nhân dân chứ không phải để làm của riêng, để chia bôi quyền lợi. Tại sao lại phân biệt xe chính thống với xe dù, xe trong với xe ngoài trong việc chuyên chở bệnh nhân. Xác định “xe dù” là việc của công an và thanh tra giao thông chứ không phải của bệnh viện. Đừng coi tất cả những xe không có hợp đồng với bệnh viện là xe dù. Nó đạt những tiêu chuẩn được pháp luật thừa nhận thì nó có quyền đưa bệnh nhân vào bệnh viện và rước bệnh nhân ra khi bệnh nhân có yêu cầu. Còn quản lý ra sao để đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bệnh nhân là việc khác, chứ không phải cứ cấm tiệt là xong.

Nghe những trả lời, phân trần quanh co của mấy vị trong Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, có vẻ như các vị ấy bận lo về chuyên môn nên ít quan tâm đến những khúc những đoạn trong đời sống hiện thực ở bệnh viện. Ai chứ tôi thì không tin các vị chả biết chả nắm chuyện này nọ. Biết quá đi ấy chứ. Làm lãnh đạo mà không biết thì ngồi ghế lãnh đạo làm gì. Họ thừa nắm được chuyện xe trong xe ngoài, chỉ có điều đụng vào quyền lợi hẹp hòi nên ú ớ, có dám nhận lỗi và sửa sai hay không thôi.

Nhìn ra xung quanh, những chuyện như thế đâu chỉ xảy ra ở bệnh viện, Tình trạng mỗi đơn vị là một nhóm lợi ích chà đạp lên nguyên tắc chung, vứt bỏ những khế ước xã hội đã được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng đang diễn ra nhan nhản. Nơi nào cũng thấy. To tự tung tự tác kiểu to, nhỏ tác oai tác quái kiểu nhỏ. Nhà ga hàng không, ga tàu hỏa, bến xe khách, cầu cảng, bãi biển, khu thắng cảnh… là những nơi của chung, không ai được phép độc quyền nhưng những người lãnh đạo, quản lý các đơn vị ấy, khu vực ấy nhắm mắt hoặc liều lĩnh tự đặt ra quy tắc khuôn phép riêng, lấy lý do này nọ về quản lý, an ninh trật tự, về tính đặc trưng đặc thù rồi làm sai làm bậy, cấm đoán thiên hạ.

Mỗi nhà ga tàu hỏa hoặc sân bay chẳng hạn, đâu được phép dành riêng cho hãng xe nào, nó là của chung cho tất cả xe cộ và tài xế tuân thủ luật pháp. Xin nói rằng luật pháp chứ không phải những quy định riêng. Mọi hãng taxi đều có quyền đến rước khách tại sân ga Hòa Hưng - Sài Gòn hoặc trước nhà ga hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài... còn bảo rằng chỉ có đơn vị A,B này nọ đã ký hợp đồng là được phép, chẳng qua là tùy tiện móc ngoặc ăn chia với nhau thôi. Cứ kiểu như vậy, một mai có lãnh đạo phường xã nào đó ban quy định xe cộ chạy qua đường trên địa bàn phường xã ấy phải nộp phí, hoặc chỉ cho xe này mà không cho xe khác chạy qua, thì cũng na ná vậy. Tình trạng cát cứ độc quyền của các sứ quân đang diễn ra nhan nhản trên đất nước này, nếu so sánh cũng chả khác gì chuyện trai làng nào đó cấm vận không cho trai làng khác đến làng mình tán gái. Chỉ khác tí ti là trai làng làm dấm dúi, vừa cấm vận vừa sợ pháp luật, còn các sứ quân được chính quyền, được cấp trên dung túng, làm ngơ, thậm chí đồng tình nên cứ công khai, mặc kệ bàn dân thiên hạ.

Có chấm dứt được tình trạng loạn sứ quân, loạn độc quyền, giống như giang hồ cát cứ thì may ra mới chấm dứt được những sự việc vô lý, thương tâm như vụ chặn xe ở Bệnh viện Nhi vừa rồi. Còn cứ để tình trạng đó kéo dài hoặc nặng thêm thì nay mai nó không chỉ xảy ra ở bệnh viện mà là biết bao nơi công cộng khác. Chỉ có nhóm lợi ích được lợi, còn dân thì thua trắng.

Nguyễn Thông

5 nhận xét:

  1. Loan 12000 hoac su quan roi anh Thong a.

    Trả lờiXóa
  2. Loạn sứ quân càng tốt chứ sao ? nhờ vậy người dân mới sáng mắt sáng lòng , cùng nhau đồng lòng lật đổ chế độ : đỉnh cao trí tuệ !

    Trả lờiXóa
  3. Đây là những phần ung thư đã di căn, phát tác ra ngoài cơ thể (thể chế) ngày càng dồn dập, khắp nơi trên cơ thể, báo hiệu ngày định mệnh đang tới gần. Không còn khả năng cứu vãn, chỉ có thể kéo thêm một thời gian đau đớn nữa mà thôi.

    Trả lờiXóa
  4. "Bệnh viện là nơi cứu người, chạy chữa bệnh tật, bảo đảm sức khỏe cho con người"

    Bác Thông chắc bị suy thoái đạo đức cách mạng nên toàn nhìn bằng con mắt của đám tư bẩn giẫy chết . Bệnh viện Xã Hội Chủ Nghĩa của ta phải nêu cao tinh thần giai cấp, chứ đâu có thể nhân đạo 1 cách hư vô như bọn tư bẩn vậy chớ .

    Chính vì tư bẩn xấu xa như vậy mà những người thế hệ trước đã không quản hy sinh để đánh đuổi, bác Thông nên tránh xa nó -tư tưởng tư bẩn- để giữ cái tâm trong sáng & tỏ lòng kính trọng những hy sinh vô cùng của thế hệ trước .

    Trả lờiXóa
  5. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa