Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2016

Góp thêm đôi lời về thi cử

Kỳ thi THPT quốc gia 2016 vừa kết thúc. Cứ như những theo dõi, đánh giá của dư luận xã hội, nhất là của thí sinh và phụ huynh - những người liên quan sát sườn đến kỳ thi này, cuộc thi năm nay có nhiều tiến bộ so với các năm trước. Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có những thay đổi rất đáng kể để giảm gánh nặng về thi cử, vất vả cho thí sinh, tốn kém cho xã hội. Đó là điều cần được ghi nhận trong sự đổi mới quyết liệt, thực sự, chứ không phải nửa vời, quanh quẩn, lúng túng như vài năm trước.
Hầu như năm nào cũng vậy, đã thành thông lệ, cứ sau mỗi kỳ thi, ngành giáo dục lại tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm nhằm có được phương án thi cử tốt nhất cho những năm sau. Tinh thần chung là đạt tới phương thức thi cử nhẹ nhàng, ít căng thẳng, ít tốn kém, gọn gàng, hiệu quả, tính tự chủ cao hơn so với trước. Mục đích ấy không chỉ của ngành giáo dục mà là của chung toàn xã hội.
Nhớ lại những kỳ thi vài năm trở về trước, vừa hết thi tốt nghiệp THPT lại nối tiếp ngay thi tuyển sinh đại học, cứ mỗi năm càng thêm nặng nề, tốn kém, trở thành tai ách cho cộng đồng. Cả xã hội nháo nhào lên, hàng chục triệu người dồn hết tâm lực cho thi cử. Bao nhiêu tiền của, công sức đổ vào thứ thủ tục hành xác vĩ đại ấy. Lời ra tiếng vào khá nhiều nhưng dường như những nhà quản lý giáo dục quốc gia mấy nhiệm kỳ cứ lúng ta lúng túng, không thoát ra khỏi được tư duy cũ kỹ đã bám chặt trong đầu. Suốt bao năm, giáo dục đồng nghĩa với thi cử nặng nề, trọng bằng cấp, bung ra phát triển hệ đại học một cách máy móc mà không tính đến hệ lụy của nó.

Nói không quá đáng, mở mắt ra là nhìn thấy trường đại học. Trường mở thêm nhan nhản trên khắp nước, như nấm sau mưa. Xã hội được đại học hóa một cách khiên cưỡng, tùy tiện. Đào tạo đại học quá nhiều nhưng kết quả thu về lại rất thất vọng. Nhiều trường đại học, nhất là đại học tư, bộ máy sơ sài, chương trình chắp vá, mục đích kiếm tiền quá rõ, chỉ sau vài năm hoạt động đã ế rài ế rạc, có nguy cơ đóng cửa. Còn người được đào tạo, theo thống kê hiện có gần 200.000 thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp không có công ăn việc làm mà lý do cơ bản là trình độ quá kém…, trong khi ấy nhân lực sản xuất tay nghề cao, có chuyên môn vững bị thiếu hụt trầm trọng.
Nhìn vẻ ngoài, nước ta đang có đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân quá hùng hậu, nếu xét trên tỷ lệ dân số có lẽ ở trong tốp hàng đầu trên thế giới, chỉ có điều phần lớn là sản phẩm đào tạo chưa hoàn chỉnh, đóng góp không đáng kể cho phát triển đất nước. Điều mà chúng ta thấy rất rõ là hầu hết bằng cấp đại học của nước ta khi ra bên ngoài ít được thừa nhận, buộc phải đào tạo lại, vừa tốn kém vừa mất thời gian.
Phải thực sự nhìn thẳng vào thực tế giáo dục nước nhà, đặc biệt là vấn đề thi cử, đào tạo đại học. Sau kỳ thi THPT quốc gia 2016, đang có những bàn luận sôi nổi về việc nên bỏ kỳ thi nào (tốt nghiệp THPT, hay tuyển sinh đại học-cao đẳng), thi THPT hay chỉ xét tuyển, ai tổ chức thi... Lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo đang lắng nghe, ghi nhận; chúng ta hy vọng sẽ có những đổi thay mạnh mẽ hơn.
Là người đã trải qua những kỳ thi, từng chứng kiến những chìm nổi của ngành giáo dục, tôi đề nghị như sau:
- Vẫn nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT (tú tài) coi đó là mốc chuẩn trên đường học vấn. Đó là sự đánh giá chính xác nhất kết quả của mỗi người sau 12 năm học hành. Phải tổ chức thi đàng hoàng, nghiêm túc chứ không nên xét tốt nghiệp như có ai đó đề nghị. Việc xét tốt nghiệp, dưới góc độ này khác, không thể chính xác được. Phải thi, nhưng không cần bày vẽ quá hoành tráng, ồn ào như ngành giáo dục đang làm. Cứ giao cho từng địa phương tỉnh, thành phố đứng ra tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Bộ Giáo dục – Đào tạo chỉ thực hiện vai trò quản lý nhà nước. Tăng tính tự chủ cho từng địa phương.
Vẫn là kỳ thi quốc gia bởi tính chất quốc gia của kỳ thi này chính là ở chỗ cả nước thi chung 1 đề, thi cùng ngày, bằng tốt nghiệp có giá trị quốc gia. Có thể ngoại lệ như nơi nào đó gặp thiên tai hoặc trường hợp bất khả kháng thì tổ chức kỳ thi vào ngày khác, với đề thi khác, tuy nhiên không giảm sự nghiêm túc, chuẩn mực. Học sinh ở nơi nào thi ngay tại nơi đó, chẳng cần phải đi đâu xa cho tốn kém, vất vả. Các sở Giáo dục – Đào tạo hoàn toàn chịu trách nhiệm trước bộ chủ quản về kỳ thi này về mọi mặt, đặc biệt là chất lượng.
- Cần bỏ ngay việc thi tuyển sinh đại học. Tự dưng dẹp được nạn luyện thi. Còn trường nào muốn tổ chức thi thì tự lo, Bộ không can thiệp. Trả quyền tự chủ cho các trường. Các trường đại học mở rộng cửa xét tuyển đầu vào, ai đủ khả năng thì đăng ký, không phân biệt đối tượng, thành phần, nơi chốn. Người muốn học đại học tự lượng sức mình mà chọn trường. Siết thật chặt đầu ra, học hành lớt phớt thì cứ cho tốn tiền học cả đời mà không thể tốt nghiệp.
Trình độ của cử nhân sẽ do cuộc sống đánh giá, kiểm nghiệm. Ai giỏi thì có việc làm. Chả doanh nghiệp, cơ quan nào dại khờ đến mức nhận những người kiến thức nông cạn, yếu dở vào bộ máy của mình. Ai muốn vào cơ quan nhà nước phải trải qua kỳ sát hạch chặt chẽ. Những trường đại học nào vơ bèo vạt tép, đào tạo không tốt, sản phẩm đầu ra kém chất lượng qua thời gian sẽ bị sàng lọc, mất uy tín, người học không tìm đến nữa mà nơi nhận sản phẩm nhân lực cũng tẩy chay. Bây giờ cũng đừng ngại vùng sâu vùng xa không có người có trình độ đại học về phục vụ, làm việc. Cứ trả lương, đãi ngộ tốt thì chả còn nơi nào là đèo heo hút gió. Chỉ sợ không đủ nhân lực đạt chuẩn đáp ứng cho cuộc sống mà thôi.
Nguyễn Thông

5 nhận xét:

  1. "Đó là điều cần được ghi nhận trong sự đổi mới quyết liệt, thực sự"

    Trong "sự đổi mới quyết liệt, thực sự" này, tớ vui mừng vì đã đưa "chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh" vào giáo dục . "chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh là sự kết tinh của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân văn của dân tộc và chủ nghĩa Mác - Lê-nin".

    Vì "Nội dung của chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh không chỉ chứa đựng những giá trị của chủ nghĩa yêu nước của dân tộc mà còn được mở rộng, có quan hệ chặt chẽ với tinh thần quốc tế bao la, tinh thần cách mạng và tiến bộ của nhân loại", aka trước đó chủ nghĩa yêu nước phi Hồ Chí Minh -không có chủ nghĩa Mác-Lê- chỉ lập lại chế độ phong kiến, không chịu giải phóng nhân loại theo con đường Xã Hội Chủ Nghĩa .

    "Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh là một nhân tố quan trọng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, là nét đặc sắc và biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam"

    Tức là những chủ nghĩa yêu nước phi Hồ Chí Minh thì ẹ hơn .

    "nước ta đang có đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân quá hùng hậu ... phần lớn là sản phẩm đào tạo chưa hoàn chỉnh, đóng góp không đáng kể cho phát triển đất nước"

    Đó là cách nhìn của tư bẩn . Bác Thông đọc những tờ báo Đảng như Tạp Chí Cộng Sản sẽ thấy ngược lại . Thạc sĩ Y học cũng viết về tư tưởng Hồ Chí Minh trong ngành Y, thế là đóng góp rất lớn cho chủ nghĩa xã hội ở nước ta .

    "hầu hết bằng cấp đại học của nước ta khi ra bên ngoài ít được thừa nhận"

    Lại 1 cách nhìn tư bẩn nữa . Bằng cấp của chúng ta rất có giá trong các quốc gia xã hội chủ nghĩa . Tất nhiên, tụi tư bẩn coi là giấy lộn, nhưng chúng đang giẫy chết, chấp làm gì .

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Chú Thông sống, học và làm báo dưới chế độ xhcn mà không biết bản chất của chế độ ta sao lại dư công viết vẽ ý kiến, ý cọ... Biết rồi khổ lắm nói mãi!

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  5. Cái khổ là các ổng biết điều đó nhưng không dám cho đại học quyền tự chủ. Nó tự chủ nó đếch dạy các môn như lịch sử đảng, kinh tế chính trị... dần dần nó đi ra khỏi quỹ đạo dẫn đến ĐCS mất quyền lãnh đạo. Rõ khổ tất cả các hạn chế của xã hội này đều bắt nguồn từ cái độc quyền lãnh đạo của ĐCS. Đúng là vật cản của sự phát triển

    Trả lờiXóa