Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

Căn bệnh khó chữa

     Ở nước ta, tai nạn giao thông là chuyện nhiều tập, dài hơn cả tiểu thuyết chương hồi cổ điển. Mỗi quý, mỗi năm, mỗi dịp lễ tết... đều có số liệu tổng kết về tai nạn giao thông, những con số kinh hoàng, nhưng có lẽ điều kinh hoàng nhất ở chỗ số vụ và số người chết không giảm, mà ngược lại, ở chiều hướng tăng.

     Tôi có người bạn định cư tại Mỹ đã lâu, cha mẹ còn ở VN nên vài ba năm lại về nước một lần. Hỏi nơi quê nhà điều gì ấn tượng xấu nhất, trả lời: giao thông; điều gì kinh sợ nhất, trả lời: tai nạn giao thông (TNGT). Mà chẳng phải chỉ riêng bạn ấy, dường như hầu hết người nước ngoài đến VN đều bị ám ảnh bởi giao thông và TNGT.

Nói theo thuật ngữ ngành y tế, TNGT đã trở thành căn bệnh mạn tính, ban đầu có khi chỉ biểu hiện ở da dẻ, sắc thái, sau thì thấm vào lục phủ ngũ tạng, càng ngày càng nặng, càng khó chữa. Nó trở thành nỗi ám ảnh thường nhật, mọi lúc mọi nơi, không tha không chừa một ai. Một câu nói đùa mà đúc kết cả hiện thực ghê gớm, khi người ta bảo nhau “ra đường như ra trận”, ấy là ám chỉ sự nguy hiểm, chết như bỡn. Biết sự nguy hiểm chết chóc ấy nhưng có mấy ai chỉ ở nhà, không bước ra đường. Đó là bi kịch.
     Báo chí truyền thông hầu như ngày nào cũng có tin về TNGT. Cái chết đến từ mọi nơi, mọi hướng, mọi nguyên nhân. Chả phải chỉ đường bộ mới gây nỗi khiếp sợ, bây giờ đi đường sắt, đường không, đường thủy cũng nhiều thất kinh. Bộ Giao thông vận tải, Công an, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các ngành chức năng, các địa phương đều rốt ráo đề ra các biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông, kéo giảm số vụ TNGT, nhưng rất tiếc, cái con quỷ Phạm Nhan TNGT cứ biến hóa, thách thức, chặt đầu này nó tòi đầu khác. Mất bao công sức, tiền của để chấm dứt nạn xe quá tải, xe đò nhồi nhét khách quá mức, tài xế phóng nhanh vượt ẩu, người điều khiển phương tiện bất chấp, xem thường luật giao thông, dân tự tiện mở đường ngang dân sinh qua đường sắt, ném đá vào xe đò, tự ý mở cửa thoát hiểm máy bay... nhưng kết quả chưa được như cộng đồng mong muốn. Lắp hộp đen kiểm soát hành trình của xe có thể làm giảm phần nào tình trạng vi phạm nhưng đáng cần hơn nữa là ý thức tự giác tôn trọng luật, bảo vệ sinh mạng con người của bất cứ ai tham gia giao thông. Không phải vô lý khi Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đưa ra kết luận trên 90% nguyên nhân của những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người chết là sự chủ quan, ý thức kém của người lái xe. Giờ đây, hơn lúc nào hết, phải gióng giả hồi chuông báo động về đạo đức của bất cứ ai điều khiển phương tiện, nhất là những tài xế xe tải, xe khách, xe container, người chạy mô tô, xe máy. Và cả những người không lưu thông trên đường nhưng có thể gây tai nạn thương tâm như trường hợp làm đổ cần cẩu đè chết ba mẹ con ở Cần Thơ, những thanh thiếu niên nghịch ngợm thường ném đá vào đoàn tàu khách để tiêu khiển, những người vì lý do gì đó tự ý đem chướng ngại vật chặn đường... Nhiều vụ TNGT đã bắt đầu từ những con người kém đạo đức, kém ý thức như vậy.

     Để giảm TNGT, đừng chỉ quy về hạ tầng đường sá chật chội (bởi ngay đường cao tốc thênh thang giờ cũng chả hiếm vụ tông xe, chết người), sự quản lý còn nhiều lúng túng, bất cập của cơ quan chức năng, mà hãy đặt lên hàng đầu ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông. Đó là yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất.
Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. Tai nạn giao thông ngày càng nhiều nguyên nhân cũng chỉ vì"trật đường rầy"và "cỗ máy mất phanh" anh Thông ạ

    Trả lờiXóa
  2. Nguyên nhân xảy ra các tai nạn giao thông ở VN thì nhiều, nhưng nguyên nhân chính là sự xuống cấp toàn diện của đạo đức xã hội, sự lên ngôi của những thói xấu như: sống chụp giật, tranh cướp, giẫm đạp lên nhau mà sống, không cần biết đến những người xung quanh, vô cảm trước những nỗi đau của đồng loại. Khoảng 40-50 năm trước phần lớn người Việt không có những thói xấu này, nhưng nay thì ngược lại. Tại sao lại thế?

    Trả lờiXóa