Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Nhân dân thứ thiệt


Có hai nhà thơ đảng viên cộng sản đã leo lên đến chức cao chót vót trong đảng của họ, cùng hàm ủy viên bộ chính trị, đó là Nguyễn Kim Thành (Tố Hữu) và Nguyễn Khoa Điềm. Thơ Tố Hữu đang bị quên dần dần, còn thơ Nguyễn Khoa Điềm sau suốt thời gian ông tại chức chả mấy ai nhắc đến thì nay đang trở lại với thái độ trân trọng của nhiều người. Người con trai dòng họ Nguyễn Khoa nổi tiếng đã trở về cốt cách thi nhân đích thực. Trước mình không thích ông Điềm, nhất là sau vài vụ quan Điềm ứng xử này nọ ở cương vị trưởng ban tư tưởng-văn hóa trung ương, nhưng từ khi ông về hưu rồi mình lại mến bởi ông gần như về hẳn đời dân dã, chả giống nhiều vị cứ vác mặt ra dự hết thứ này thứ nọ.

Nay lại tăng thêm sự mến ấy khi đọc bài thơ này của ông, bài Nhân Dân. Nó như sau:

NHÂN DÂN

Cúi mình trên đồng lúa
Lao lên các hỏa điểm chiến tranh
Lăn mình trong các cuộc xuống đường
Cặm cụi với sách vở


Họ là nhân dân thứ thiệt
Nhưng trên diễn đàn cao nhất nước
Có người nói nhân dân chưa đủ trí tuệ
Để hưởng luật biểu tình!


Tôi nghĩ mãi
Ai đã bầu ra ông nghị này nhỉ?
Sao lại sợ nhân dân biểu tình?
Không!


Sự sợ hãi không cứu được chúng ta
Mà chính là sự can đảm
Đi tới dân chủ.


Tháng 11.2011

Nguyễn Khoa Điềm

4 nhận xét:

  1. Chỉ những quan chức sợ mất quyền , mất lợi , không muốn đi đến dân chủ thực chất. Nhân dân lao động , ai cũng mong có dân chủ, để được đóng góp tinh thần , nghị lực, sức lực, vào công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc .
    Tôi thích bài thơ này của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

    Trả lờiXóa
  2. Bài thơ rất hay, nhưng đã trễ. Mấy ông “cách mạng” hay nói trễ, vì vậy tình trạng tiến lên của nước ta lúc nào cũng trễ. “Bọn” trẻ chờ mấy ông còn tại chức nói sớm, đợi đến lúc cáo lão hồi hưu mới nói thì hết linh.

    Còn nhớ dịp ba mươi năm sau 1975, ông sáu Kiệt nói đại ý như vầy:” Hồi đó chánh phủ Miền Nam buông súng xuống, giữ Sài gòn còn nguyên vẹn giao cho cách mạng, nhưng phe tả Hà nội đã sai lầm làm cho hai miền đói khổ. Ngày 30 tháng tư có một triệu người vui thì một triệu người buồn. Cái gì nói một lần người dân đã hiểu, lập lại nhiều lần dân chúng chán thêm”.

    Phải chi lúc đó ông Điềm và các ông khác còn tại chức lấy hết can đảm khen ông Kiệt một tiếng. Rồi tiếp tay triển khai ý kiến ông Kiệt, đồng lòng dẹp bỏ ngày lễ 30 tháng tư hàng năm để cho vết thương nung mũ chóng lành. Gởi trả phức vòng kim cô mà “bác” Mao đã tặng hồi thế kỷ trước thì đâu có gặp mấy cái vụ nhức đầu như thác, biển, đảo, rừng, hầm mỏ, khu phố lung tung beng. Dân miền Nam thấy ngày 30 tháng tư nửa nước, nửa dân tộc đói rách tả tơi, dân trí tuột dốc thê thảm. Nửa nước, nửa dân tộc còn lại thì sắp hàng vô tù, lên rừng, xuống biển (mò cá mập). Đúng như lời ông Kiệt nói, vậy thì có gì hãnh diện mà ăn mừng hàng năm.

    Cơ thể có tứ chi, hai tay phải trái, hai chân tả hữu đều cần thiết để giữ cho cái đầu hướng thượng, cơ thể được thăng bằng, mạnh khoẻ, bương chảy tiến lên nhanh cho bằng hoặc hơn bè bạn chung quanh. Đàng này lại chặt bỏ chân hữu và tay phải, chỉ giữ lại tay tả và chân trái, rồi vổ tay ăn mừng thì thiệt là không hay chút nào.

    Đọc lịch sử thế giới, thấy anh Bắc Mỹ chiến thắng phe Nam Mỹ năm 1865, nhưng cái anh Bắc Mỹ không chặt bỏ bớt hai chi. Giữ lại tứ chi đầy đủ giúp cơ thể mạnh khoẻ, đẹp đẻ, cái đầu thông minh hơn, tiến lên mà không biết khoe anh hùng hoặc ăn mừng chiến thắng. Năm 1865 cách 1975 đến 110 năm. Và nếu tính đến năm 2011, thì khoảng cách dài đến 146 năm!

    Ông Kiệt trọng dụng Tiến sĩ kinh tế Nguyễn xuân Oánh, rồi ôm lấy kinh tế tự do Miền Nam để đưa Việt nam thoát nạn đói. Hy vọng bốn ông Hùng, Dũng, Sang, Trọng - theo gương ông Kiệt, nhưng không để trễ như ông sáu – lúc còn tại chức thẳng thắn trả cái vòng kim cô cho “đại” Hán(g). Kết thân với Mỹ, Úc, Nhựt, Ấn, Nam Hàn... và bè bạn trong khối Asean; dứt khoát đổi mới chánh trị cho hợp lòng dân. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đến thăm Hà nội. Bà ấy được đào luyện cùng “phe nhà” vậy mà bây giờ nỗi tiếng là người tốt, có tài đức, được Âu châu nể nang. Hai ông Nikita Khrushchev và Yelsin cũng được thế giới kính trọng. Hai ông Dũng và Sang là người Miền Nam sống với đồng ruộng bằng phẳng, mênh mông, xa mút tầm mắt, không lẽ cứ giữ cái vòng kim cô, chịu đựng cái lũy tre làng cũ kỹ, tối ôm, chật hẹp, chận đứng tầm nhìn, thì buồn quá. “Bọn” trẻ Hà nội đã và đang ra khỏi lũy tre làng, rủ nhau đến bờ hồ “vui chơi”, bỏ hẳn mấy ông già quá đát, buồn thiu, núp mãi trong lũy tre làng làm khổ “bọn” trẻ mà cả nước và thế giới đã thấy.

    Nếu Việt Nam trả cái vòng kim cô cho “bác” Mao sớm, luôn tiện giúp Trung quốc dân chủ hóa thì Á châu sẽ được bình yên và thịnh vượng lâu dài. Việt Nam sẽ vững như bàn thạch, được thế giới tự do bắt tay giúp đỡ tiến lên, không còn sợ nanh vuốt nhà Hán nữa. Có lẽ đó là mục tiêu Mỹ trở lại Á châu Thái bình dương và sẽ ở lại lâu dài. Xin trích đoạn TT Obama mới nói:

    "History is on the side of the free - free societies, free governments, free economies, free people. And the future belongs to those who stand firm for those ideals in this region and around the world”.

    Dân Nam là con nhà nông dân thấy sao nói vậy, đúng sai xin miễn chấp. Đa tạ.

    --------------------------

    P/S Cám ơn Nguyễn Thông đã giữ chỗ cho Dân Nam nói thật. Nhưng nếu bạn thấy không ổn thì cứ thẳng thắn cho biết, bỡi DN không muốn thấy bạn Nguyễn Thông hay bất cứ bạn trẻ, già nào gặp phiền toái. Chúc an vui, may mắn.

    Trả lờiXóa
  3. Văn hay thơ đều thể hiện tính người. Thơ của ông NKĐ tuy hay, nhưng con người ông không hay, nên nếu để tác giả bài thơ này là "khuyết danh" thì dễ đi vào lòng người hơn. Chớ nói cho hay thì ai nói chẳng được.

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa