Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Ai sỉ nhục kẻ sĩ?

Ban đầu định đặt tít “Kẻ sỉ nhục kẻ sĩ” nhưng rồi sợ lỡ có ai đọc, hiểu nhầm cái tiêu đề ấy mà lý sự rằng nhà cháu chơi chữ hoặc viết ngọng thì sinh lắm chuyện. Cũng khó cãi bởi người miền Nam do phát âm hỏi ngã lẫn lộn nên thường viết tuốt cả hỏi lẫn ngã thành dấu hỏi, ví dụ sĩ thành sỉ. Theo cách đó, “Kẻ sĩ (làm) nhục kẻ sĩ” có lẽ cũng chả sai về nội dung, cơ mà huỵch toẹt ngay như thế thì e khí sớm.

Nói nôm na, trong xã hội xưa nay, những người có học vấn cao thường được gọi chung là kẻ sĩ. Để cẩn thận, nhà cháu tra trong từ điển do GS Hoàng Phê và cộng sự biên soạn, thấy rõ ràng ngắn gọn “kẻ sĩ: trí thức trong xã hội phong kiến” (Từ điển tiếng Việt- Viện Ngôn ngữ học- 2003).

Nhớ hồi còn bé, ngay mấy thầy giáo làng dạy lớp vỡ lòng đã là hình ảnh của tầng lớp có học, nói chi những vị chữ đầy bồ, thiên kinh vạn quyển, mở mồm là nhả ngọc phun châu. Kính phục, ngưỡng mộ lắm. Với các vị cao nhân đó, được nhìn thấy họ từ xa đã sướng rơn rồi, nào dám mong trò chuyện mấy lị bắt chân bắt tay. Lớn thêm tí nữa cái nhìn đã khang khác, hiểu rằng kẻ sĩ và những người có học vấn cao chưa hẳn đã là một, kẻ sĩ lại càng không đồng nhất với kẻ có quyền (dù quyền cực cao) có tiền (dù tiền cực nhiều). Quyền to ngất trời, giàu muôn bạc vạn nhưng nào mấy ai được coi là kẻ sĩ. Tất nhiên trong giới trí thức cũng có người giàu, chức cao nhưng hiếm, mà đại đa số nghèo nghèo, địa vị thường thường bậc trung. Điều đáng nói, truyền từ thời này qua thời khác, một thứ tiêu chuẩn định luận, bất cứ ai đã được công nhận kẻ sĩ đều không thể thiếu: khí tiết. Khi nghe lỏm chuyện của các cụ bên bàn trà thuốc, nghe các cụ trao đổi với nhau thì mình lờ mờ một cách không chắc chắn lắm (bởi chưa đủ khôn) rằng các ông Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Phan Khôi, Trần Đức Thảo và một số vị Nhân văn giai phẩm có tư cách kẻ sĩ, họ bị đầy ải, đời trầm luân khốn nạn bởi họ thà hy sinh cái thể xác tầm thường chứ quyết không từ bỏ phẩm chất cao quý ấy. Sau này thì hiểu các cụ nhà mình đã nhận xét đúng.

Người xưa có câu “Sĩ khả lục bất khả nhục” (士可戮不可辱),tạm dịch đối với người là kẻ sĩ thì chỉ có thể giết được chứ không thể làm nhục được họ. Loại người nào đó có thể nịnh nọt chứ kẻ sĩ nhất quyết không bao giờ nịnh. Đành rằng “nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”, dân tình đùa cợt cho vui thế thôi chứ ai chả hiểu một xã hội thì thiếu kẻ sĩ sao được. Họ là tinh hoa, là đẳng cấp hơn mình bởi họ có cái mà mình không có hoặc có nhưng chả đáng kể. Họ khác mình ở cái đầu, “một người hay lo bằng kho người hay làm”, họ xứng đáng được tôn trọng.

Dân tôn trọng kẻ sĩ đã đi một đằng, nhưng vua chúa, lãnh tụ xưa nay đối với kẻ sĩ, trí thức lại khác một nhẽ. Lúc “việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần/nơi duy ác hiếm người bàn bạc” (Nguyễn Trãi) thì các đấng ấy bày đủ mọi trò “chiêu hiền đãi sĩ”, xong đại sự bèn phủi tay ráo hoảnh “trí thức chỉ là cục phân”. Cũng chả trách được bởi dưới mắt dân, kẻ sĩ là người giương cao ngọn cờ, lắm mưu nhiều kế, thậm chí tiên phong, còn trong ý nghĩ vua quan, kẻ sĩ là bọn chuyên xúi giục, đầu têu, gây mầm phản loạn. Gì thì gì cũng có hại cho chính quyền, nhất là nếu cái chính quyền ấy chuyên chế, độc tài, phát xít, mất dân chủ. Vậy thì khó tránh Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn học trò; triều Lê tru di Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn; Brejniev khủng bố Sakharov; Mao Trạch Đông đày đến khốn cùng đám trí thức cục phân…, kể cả cái khẩu hiệu, chủ trương hết sức lưu manh “trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ” kéo xềnh xệch trí thức lên hàng đầu đội ngũ cần bắn bỏ. Những bi kịch ấy, khỏi cần nói ra ai cũng rõ kẻ sỉ nhục kẻ sĩ chính là lũ cầm quyền, bọn vô lại. Trong chừng mực nào đó, khi kẻ sĩ – người hiền tài “nguyên khí quốc gia” là tinh hoa dân tộc bị vùi dập, khinh bỉ thì cũng có nghĩa gần như cả dân tộc bị đày đọa, khinh bỉ dưới gót bạo quyền.

Cũng có trường hợp “củi đậu nấu hạt đậu”, anh em sĩ một nhà hại nhau, như Đặng Trần Thường đánh đòn sỉ nhục Ngô Thì Nhậm ngay tại Văn miếu đó. Cùng kẻ sĩ Bắc hà nhưng anh đi đường anh tôi đường tôi, lại thêm mối tư thù, thôi thì dẫn đến kết cục bi hài giữa người đắc thế và thất thế. À, mà chuyện về hai vị này cũng có khá nhiều lăn tăn, chưa thỏa đáng lắm, mình sẽ có bài riêng.

Thế thì ai, vào những ngày hàng triệu, triệu người dân sôi sục vì vận mệnh đất nước và căm phẫn bọn xâm lược Trung Quốc, ném bầu máu nóng ra đường phố quảng trường để góp nên sức mạnh, ai đã dửng dưng, ngậm miệng, mũ ni che tai, lẩn trốn tháp ngà? Nhìn vào hàng quân biểu tình đông đảo thời gian qua, chỉ thấy phần đông những người dân bình thường, thanh niên học sinh, thợ thuyền, cả người buôn thúng bán bưng, những khuôn mặt lam lũ hằng ngày, thường khép nép lặng câm, khiêm nhượng đủ mọi điều. Họ ít học, cạn nghĩ nhưng lòng yêu đất nước tràn trề. Họ không như mấy ông bà lắm chữ, làm bất cứ điều gì cũng phải nhìn trước ngó sau trăm lần, dù là điều tốt đẹp, cao cả. Kẻ sĩ thời nay phần đông đã tự tước đi cái giá trị, thiên chức cao quý, tự trói mình vào danh lợi, địa vị, tự ru ngủ mình. Bao nhiêu hội này đoàn nọ, bao nhiêu ông nọ bà kia, sao mọi ngày cao đàm khoát luận, lên giọng chỉ thị dạy dỗ đám đông cần lao, lúc cần đi cùng nhân dân lại vắng hoe thê thảm thế. Chả dẫn chứng đâu xa, cả nước hiện có hàng vạn GS, PGS, học giả, nhà nghiên cứu, nhà báo nhà văn tiếng tăm từng nổi như cồn, còn tiến sĩ thì đông ngất trời mây, vậy mà trong những cuộc tuần hành yêu nước chỉ quanh đi quẩn lại vài gương mặt Nguyễn Đình Đầu, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Quang A, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Duy Hiển, Nguyễn Xuân Diện, Đỗ Minh Tuấn, Đỗ Trung Quân… Còn lại số đông, rất rất đông, họ đã đi đâu, làm gì, trốn đâu mất cả?

Xin đừng lý sự, bao biện, giải thích kiểu “ai có phận nấy, mỗi người có cách bày tỏ lòng yêu nước riêng, có hoàn cảnh riêng…”. Riêng mà nhằm vụ lợi cá nhân, đáng khinh. Dân không cần họ, đất nước không thể dựa vào họ.

Thật buồn khi phải nói ra sự thật: chính kẻ sĩ làm nhục kẻ sĩ chứ chẳng ai khác!

Chủ nhật 10.7.2011, Sài Gòn

1 nhận xét: